Cuộc bạo động Kristallnacht

Cái chết của vom Rath

Bức điện gửi đi từ Reinhard Heydrich, 9 tháng 11 năm 1938

Ernst vom Rath qua đời vào ngày 9 tháng 11 vì những vết thương quá nặng. Tin tức về cái chết của vom Rath đến tai Hitler vào tối ngày hôm đó khi ông đang thưởng thức bữa ăn kỷ niệm vụ Đảo chính nhà hàng bia năm 1923 cùng một số đảng viên chủ chốt của đảng Quốc xã. Sau cuộc bàn luận dữ dội, Hitler đột ngột rời buổi họp mặt mà thiếu đi một bài diễn thuyết như thường lệ. Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels phát đi một bài diễn văn từ chỗ của mình, và nói "Lãnh tụ đã quyết định rằng... đảng sẽ không chuẩn bị hay tổ chức các cuộc biểu tình, nhưng tới một chừng mực mà chúng tự động bùng phát, chúng sẽ không bị cản trở."[26] Walter Buch sau này nói thông điệp là rõ ràng, với những lời lẽ đó Goebbels đã ra lệnh cho các thủ lĩnh của đảng tổ chức một cuộc bạo động.[27]

Một vài lãnh đạo đảng không đồng tình với những hành động của Goebbels, họ lo ngại nó sẽ kích động một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Heinrich Himmler viết: "Tôi tin rằng đó là chứng hoang tưởng tự đại và ngu xuẩn của Goebbels... nó chịu trách nhiệm cho sự khởi đầu của chiến dịch này bây giờ, trong một tình cảnh ngoại giao đặc biệt khó khăn."[28] Nhà sử học người Israel Saul Friedländer tin rằng Goebbels có những lý do cá nhân giải thích cho mong muốn gây nên vụ Kristallnacht. Goebbels hiện đang phải chịu sự bẽ mặt vì chiến dịch tuyên truyền không hiệu quả trong cuộc khủng hoảng Sudetenland, và đôi chút thất sủng sau vụ ngoại tình với nữ diễn viên người Séc Lída Baarová. Ông ta cần một sự thay đổi để cải thiện vị thế của mình trong mắt Hitler. Vào hồi 1 giờ 20 phút đêm ngày 10 tháng 11 năm 1938, Reinhard Heydrich gửi một bức điện mật khẩn đến Sicherheitspolizei (Cảnh sát An ninh) và Sturmabteilung (SA), trong đó là những chỉ thị liên quan tới cuộc bạo động, bao gồm nguyên tắc bảo vệ tài sản và cơ sở kinh doanh của người nước ngoài và người không phải Do Thái. Cảnh sát được chỉ thị không can dự vào cuộc bạo động trừ khi có sự vi phạm các nguyên tắc, tịch thu tài liệu lưu trữ của người Do Thái từ các giáo đường và văn phòng cộng đồng, bắt và giam giữ những "nam giới Do Thái khỏe mạnh, không quá già", để sau này chuyển đến làm lao động trong các trại tập trung.[29]

Diễn biến và hậu quả

Thời điểm tiến hành bạo động là khác nhau giữa các đơn vị. Các Gauleiter (thủ lĩnh chi nhánh đảng cấp khu vực) xuất phát vào khoảng 10 giờ 30 tối, chỉ hai tiếng sau khi tin tức về cái chết của Vom Rath lan truyền đến Đức. Tiếp đến là SA vào lúc 11 giờ, và SS vào khoảng 1 giờ 20. Hầu hết đều mặc thường phục, trang bị rìu và búa tạ, rồi nhanh chóng tiến tới đập phá tài sản của người Do Thái. Tuy vậy, mệnh lệnh gửi đến các đơn vị hành động là khá đặc biệt: không thực hiện các biện pháp gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người Đức không phải Do Thái (các giáo đường ở quá gần nhà cửa của người không phải Do Thái nên bị đập phá thay vì đốt cháy); có thể phá hủy cơ sở kinh doanh hay nhà ở của người Do Thái nhưng không được cướp bóc; không nhằm vào người nước ngoài (kể cả người Do Thái nước ngoài); và tịch thu tài liệu lưu trữ của giáo đường mang về cho Sicherheitsdienst (SD, cơ quan an ninh). Họ còn được lệnh bắt giữ một số lượng người Do Thái tương ứng với năng lực giam giữ của các nhà tù địa phương, và đối tượng ưu tiên là những nam giới trẻ khỏe.

Kristallnacht, một cửa hàng tại Magdeburg bị đập phá

Lực lượng SA đã đập phá mặt tiền của khoảng 7.500 cửa hàng và cơ sở kinh doanh của người Do Thái, rất nhiều cửa kính bị đập vỡ, điều này là nguồn gốc của tên gọi Kristallnacht (Đêm thủy tinh).[30] Nhà cửa của người Do Thái trên toàn nước Đức bị lục soát kỹ lưỡng. Mặc dù hành động bạo lực nhằm vào người Do Thái không được giới chức trách phê chuẩn một cách rõ ràng, đã có những trường hợp người Do Thái bị đánh đập hoặc hành hung.

Sau cuộc bạo động, có khoảng 200 giáo đường (gần như toàn bộ số giáo đường Do Thái tại Đức), nhiều nghĩa trang, hơn 7.000 cửa hiệu, và 29 cửa hàng bách hóa của người Do Thái bị hư hại hoặc phá hủy. Một số người bị đánh cho đến chết trong khi những người khác bị buộc phải chứng kiến. Hơn 30.000 nam giới Do Thái bị bắt và đưa đến các trại tập trung, chủ yếu là tới Dachau, Buchenwald, và Sachsenhausen.[31] Tù nhân trong trại bị đối xử tàn bạo, tuy nhiên đa phần đều được thả trong vòng ba tháng kèm điều kiện họ phải rời nước Đức. Con số 91 được sử dụng nhiều nhất để mô tả số nạn nhân thiệt mạng trong thời gian diễn ra cuộc bạo động. Có ý kiến cho rằng bên cạnh đó còn là hàng trăm trường hợp tự sát. Ngoài ra là khoảng 2.000 đến 2.500 người chết trong các trại tập trung có thể quy trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến Kristallnacht. Đã có một vài người Đức bị giết vì nhầm lẫn với người Do Thái.

Các giáo đường Do Thái, một số có niên đại hàng thế kỷ, là mục tiêu phá hoại và bạo lực nghiêm trọng. Các phương thức do Stormtroops thực hiện tại đây và một vài địa điểm linh thiêng khác đã được Lãnh sự Mỹ tại Leipzig mô tả là "gần giống như lũ quỷ hút máu". Bia mộ bị nhổ lên và mồ mả bị xâm phạm. Sách cầu nguyện, cuộn giấy, tác phẩm nghệ thuật và tài liệu triết học bị ném vào đống lửa, và các tòa nhà đẹp bị đốt cháy hoặc đập phá đến mức không thể nhận diện. Eric Lucas nhớ lại sự kiện một giáo đường được cộng đồng Do Thái xây dựng tại một ngôi làng nhỏ chỉ 12 năm trước đó bị phá hủy:

Không tốn nhiều thời gian trước khi những tảng đá xám lớn đầu tiên rơi xuống, và những đứa trẻ trong làng tiêu khiển với việc ném đá vào các ô cửa kính màu. Khi những tia nắng đầu tiên mờ nhạt và lạnh lẽo của tháng 11 rọi qua những đám mây đen nặng trĩu, giáo đường nhỏ bé chỉ còn là một đống đá, kính vỡ, và những mảnh gỗ.[32]

Sau vụ việc, cộng đồng người Do Thái bị phạt 1 tỉ reichsmark, bên cạnh đó là 4 triệu mark tiền sửa cửa kính.[33] Các sự kiện ở Áo cũng không kém phần kinh khủng. Xét tổng thể vụ Kristallnacht thì chỉ có cuộc bạo động ở Viên là hoàn chỉnh. Hầu hết trong tổng số 94 giáo đường và nhà cầu nguyện ở Viên bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ. Người Do Thái phải chịu đựng đủ mọi cách thức nhục mạ, bao gồm việc bị buộc phải cọ rửa mặt đường trong sự chế giễu của những người bạn Áo, một vài người trong đó từng là bạn bè và hàng xóm của họ. Theo như số liệu chính thức từ Reinhard Heydrich công bố sau sự kiện, đã có 100.000 người Do Thái và 3 người nước ngoài bị bắt, 174 người bị bắt vì hành vi cướp bóc tại cửa hàng của người Do Thái; 815 cơ sở kinh doanh của người Do Thái và 191 giáo đường bị phá hủy, 76 giáo đường bị phá hủy hoàn toàn.

Phóng viên Hugh Greene của Daily Telegraph đã mô tả về những sự kiện ở Berlin:

Quy tắc đám đông thống trị tại Berlin suốt buổi chiều và tối, và đám côn đồ hưởng thụ cuộc vui điên cuồng của sự tàn phá. Tôi từng chứng kiến một vài vụ việc bài Do Thái bùng phát ở Đức trong năm năm qua, nhưng không lần nào kinh tởm như lần này. Lòng hận thù chủng tộc và sự cuồng loạn dường như đã chiếm hữu toàn bộ những con người tử tế xét về mặt nào đó. Tôi thấy những người phụ nữ ăn mặc thời trang vỗ tay và la hét với niềm vui sướng, còn các bà mẹ trung lưu đáng kính thì giơ con mình lên để xem "trò vui".[34]

Dù vậy cũng có nhiều người dân Berlin cảm thấy vô cùng xấu hổ trước cuộc bạo động, và một số người đã liều mình giúp đỡ các nạn nhân. Con trai của quan chức lãnh sự Mỹ mô tả cái cách mà quản gia của mình phản ứng trước những tiếng hò hét:

'Bọn họ phải dọn trống nhà thương điên và trại cải tạo để dành chỗ cho những người muốn làm những việc như thế này!'[35]

Kênh truyền hình Tucson News tường thuật ngắn gọn cuộc họp mặt tưởng nhớ năm 2008 tại một Kehilla (giáo đoàn) Do Thái địa phương. Trích lời nhân chứng Esther Harris:

Bọn họ xé sách, đập phá đồ đạc, quát tháo những lời tục tĩu.[36]


Nhà sử học Gerhard Weinberg viết:

Các nhà thờ bị đốt cháy, phá hoại, ở mọi cộng đồng trong nước nơi mà dân chúng tham gia hoặc đứng xem.[36]

Các trại tập trung

Goebbels chính thức hạ lệnh chấm dứt các hành động bạo lực vào ngày 11 tháng 11 nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra trong các trại tập trung bất chấp mệnh lệnh yêu cầu "đối xử đặc biệt". Vào ngày 23 tháng 11, tờ News Chronicle của Anh cho đăng bài viết về một vụ việc xảy ra tại trại tập trung Sachsenhausen. 62 người Do Thái bị hành hạ đến mức cảnh sát "không thể chịu được tiếng kêu thét và để họ quay lưng lại". Họ bị đánh cho tới ngã và khi ngã họ tiếp tục bị đánh thêm. Tại thời điểm kết thúc vụ việc, có "12 trong tổng số 62 người chết, hộp sọ của họ bị đập vỡ. Những người còn lại đều bất tỉnh. Mắt của một số người bị văng ra, mặt họ trở nên biến dạng". 30.000 tù nhân Do Thái của vụ Kristallnacht được thả trong vòng 3 tháng nhưng cũng đã có hơn 2.000 người thiệt mạng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kristallnacht http://trove.nla.gov.au/ndp/del/article/12062109 http://www.elclarin.cl/fpa/pdf/p_020605.pdf http://www.aish.com/holocaust/overview/Kristallnac... http://edition.cnn.com/WORLD/europe/9811/09/german... http://www.germannotes.com/hist_ww2_kristallnacht.... http://www.haaretz.com/hasen/spages/1032989.html http://www.historyplace.com/worldwar2/timeline/ena... http://www.israelnationalnews.com/News/news.aspx/1... http://www.kold.com/Global/story.asp?S=8269951&nav... http://www.oxforddnb.com/view/article/69100?docPos...